Đền Cấm nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Vị trí dựng đền vốn thuộc khu rừng cấm – không gian thiêng của cộng đồng người Giáy địa phương. Nghi lễ dân gian được cử hành vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Bảy âm lịch hằng năm với sự tham gia của các thầy cúng người Giáy chính là ánh hồi quang của Lễ cúng rừng – một thực hành văn hóa biểu đạt niềm tin hướng đến rừng như một thực thể có tính thiêng, nơi có thần linh ngự trị.
Trải qua quá trình cộng cư, người Việt đã tôn trọng niềm tin và thực hành ấy, đồng thời cũng ký thác vào đó niềm tin và thực hành của mình. Vị thần rừng của người Giáy trở thành một nữ thần bản cảnh trong thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Trong câu chuyện dân gian, vị thần ấy đã hiển linh, phù trợ cho quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên của dân tộc. Người dân nơi đây tin rằng, vị trí tọa lạc của ngôi đền là nơi lưu dấu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách thống lĩnh lực lượng phòng ngự biên cương. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Tỵ [1257], tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”. Dấu tích của thuở hào khí Đông A chói ngời nơi biên cảnh ấy chính là ngôi mộ trong khuôn viên đền – nơi an nghỉ của năm vị quan binh nhà Trần.
Đền Cấm được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 2001./.