Lào Cai là một thành phố vùng biên, nơi gặp gỡ của những dòng sông, địa bàn sinh tụ của nhiều cộng đồng tộc người anh em. Bức tranh văn hóa Lào Cai, bởi thế, là một tổng thể đa sắc trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng. Nơi đây có trữ lượng tài nguyên văn hóa phong phú mà điển hình là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa và những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng liên quan. Trong đó, đền Thượng nổi bật là ngôi đền linh thiêng, nơi ghi dấu một thuở hào khí Đông A chói ngời nơi biên cảnh, với vị thần chủ là Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, vị Thánh tôn quý trong tâm thức dân gian Việt Nam.
Đền Thượng nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Ngôi đền tọa lạc trên phố Phan Bội Châu, hay phố Tèo như người Lào Cai vẫn gọi một cách gần gũi, thân thuộc, với nét tính cách độc đáo “vừa dồi dào vật chất, vừa sung mãn tâm linh” [1] như nhận định của nhà văn Ma Văn Kháng – người đã từng có gần ¼ thế kỷ gắn bó với Lào Cai, với con phố miền biên thuỳ xinh đẹp này.
Uy nghiêm trên ngọn đồi Hỏa Hiệu – nơi có khung cảnh thiên nhiên tươi nhuận, trù phú, hướng trông ra dòng sông Nậm Thi bốn mùa xanh ngắt, trong ký ức dân gian, vị trí dựng đền hiện nay vốn là nơi đặt đài hỏa hiệu của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ 13, khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách thống lĩnh các lực lượng phòng ngự biên cương. Trang sử vệ quốc hào hùng đó được nhân dân địa phương ghi tạc trong tâm khảm, đời nối đời ôn nhắc thông qua sự tôn kính và phụng thờ Đức Thánh Trần. Với quan niệm “sinh vi danh tướng, tử vi thần”, trong niềm tin của người Việt, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị danh tướng lỗi lạc với những chiến công chống xâm lăng vang dội, nhà lý luận chính trị, quân sự kiệt xuất với “thượng sách giữ nước” không chỉ của một thời: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” [2], bậc trung thần mà lòng trung nghĩa “đáng làm gương trăm đời cho những người bề tôi” [3] – đã từ một nhân vật lịch sử vĩ đại trở thành một vị Thánh linh thiêng trong thần điện Việt.
Nhất niên nhất lệ, cứ mỗi độ đất trời vào xuân, nhân dân trong vùng lại náo nức hướng về lễ hội Đền Thượng để tưởng nhớ, tri ân công đức của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ôn lại trang sử gian lao, vất vả nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của quê hương, đất nước, làm bền chắc hơn sự cố kết cộng đồng, khơi dậy ý thức tự tôn, niềm tự hào dân tộc, khẳng định, củng cố quyết tâm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.
Kế tục truyền thống tốt đẹp ấy, trong các ngày 22, 23, 24 tháng 2 năm 2024 (tức các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Đền Thượng (Lào Cai) – ngôi đền linh thiêng, trầm mặc bên gốc đa cổ thụ đã bao đời sừng sững, hiên ngang giữa đất trời biên cương, UBND Thành phố Lào Cai long trọng tổ chức Lễ hội Đền Thượng Xuân Giáp Thìn 2024 với nhiều nội dung phong phú mà trung tâm là các nghi thức tế tự, nghênh rước được thực hiện thành kính, trang nghiêm trong “không gian thiêng”, “thời điểm mạnh”, kết tinh và thăng hoa “tính thiêng” – vùng lõi trong hệ giá trị đa chiều, phức hợp của các lễ hội dân gian truyền thống nói chung, lễ hội Đền Thượng nói riêng. Cùng với đó là các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, hoạt động trải nghiệm các trò chơi dân gian… Tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên một sự kiện văn hóa nổi bật với sự đan xen, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, góp phần kiến tạo bức tranh văn hóa Lào Cai giàu bản sắc, giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Lào Cai đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế./.
[1] Ma Văn Kháng, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Hồi ký), Nxb. Hội Nhà Văn, 2009, tr. 140.
[2] Các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 79.
[3] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, 1997, tr. 400.