Hôm nay, ngày 23 tháng 8 năm 2024, trước thềm Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV – năm 2024, tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào Cai, Đoàn đại biểu tham dự Đại hội do đồng chí Giàng Thị Dung – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội làm trưởng đoàn đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Lào Cai lần thứ IV – năm 2024; các đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, “Người đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới”[1].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. “Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta”[2] – Lời thiết tha ấy được trích từ bức thư đề ngày 19 tháng 4 năm 1946 của Người gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Trong thư Người viết: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”[3]. Người khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”[4].
Với riêng Lào Cai – một tỉnh vùng cao “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”, nơi biên cương của Tổ quốc, địa bàn sinh tụ của nhiều cộng đồng tộc người anh em, vấn đề xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, thể hiện qua những bức thư gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Lào Cai, đặc biệt là trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh nhà trong hai ngày 23, 24 tháng 9 năm 1958.
Ngay sau thành công của cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, trong bức thư gửi đồng bào tỉnh Lao Cai, Người đã viết: “Tôi biết tấm lòng yêu nước thương nòi của đồng bào lúc này rất sôi nổi. Đấy là một chứng cớ rất tốt đẹp cho vận mệnh nước nhà. Ngày 19 tháng 8 cuộc khởi nghĩa do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã thành công. Ngày 2 tháng 9 bản Tuyên ngôn Việt Nam độc lập đã ban bố. Vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, chính thể Dân chủ Cộng hòa đã thành lập. Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc. Tôi tin rằng đồng bào Lao Cai sẽ nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ. Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng”[5].
Năm 1950, với thắng lợi của chiến dịch Lê Hồng Phong II, Lào Cai được hoàn toàn giải phóng. Trong bối cảnh đó, Báo Sự thật số ra ngày 27 tháng 11 năm 1950 đã đăng hai bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Lào Cai và gửi chiến sĩ, cán bộ Lào Cai. Người viết trong thư: “Được giải phóng rồi, đồng bào ta phải làm gì? 1. Phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. 2. Phải thi đua tăng gia sản xuất cho mọi người được no ấm. 3. Phải ra sức giúp đỡ Chính phủ, ủng hộ bộ đội, để góp phần vào công việc trường kỳ kháng chiến, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi”[6]. Người căn dặn chiến sĩ và cán bộ Lào Cai một trong những việc cần phải làm ngay lúc này chính là “thực hành chính sách toàn dân đại đoàn kết”[7].
Đến chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai trong hai ngày 23, 24 tháng 9 năm 1958, trong bài nói chuyện với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ tỉnh nhà, một lần nữa Người nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt”[8].
Khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Người, tại buổi lễ, thay mặt Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV – năm 2024, đồng chí Nông Đức Ngọc – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã kính báo cáo dâng Người những thành tựu về công tác dân tộc của tỉnh Lào Cai đã đạt được trong thời gian qua và xin hứa:
– Suốt đời trung thành với Đảng, với Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người, không ngừng đổi mới, phát huy vai trò của công tác dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy những thành tích đã đạt được, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ IV – Năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
– Phát huy truyền thống đoàn kết; thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh vững chắc; góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phồn vinh, hạnh phúc!./.
—–
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 626.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 249.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 249.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 250.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 67.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 493.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 494.
[8] Tỉnh ủy Lào Cai: Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2015, tr. 26.