Lào Cai là một thành phố vùng biên, nơi gặp gỡ của những dòng sông và con đường, địa bàn sinh tụ của nhiều cộng đồng tộc người anh em. Bức tranh văn hóa Lào Cai, bởi thế, là một tổng thể đa sắc trên nền cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mộng mơ. Nơi đây có trữ lượng tài nguyên văn hóa phong phú mà điển hình là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa và những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng liên quan. Trong đó, đền Thượng nổi bật là ngôi đền linh thiêng, nơi ghi dấu một thuở hào khí Đông A chói ngời nơi biên cảnh, với vị thần chủ là Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – danh tướng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, vị Thánh tôn quý trong tâm thức dân gian Việt Nam.
Đền Thượng nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Ngôi đền tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu, hướng trông ra dòng sông Nậm Thi. Trong ký ức dân gian, vị trí dựng đền vốn là nơi đặt đài hỏa hiệu của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ 13, khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách thống lĩnh các lực lượng phòng ngự biên cương.
Trang sử vệ quốc hào hùng đó được nhân dân địa phương ghi tạc trong tâm khảm, đời nối đời ôn nhắc thông qua sự tôn kính và phụng thờ Đức Thánh Trần. Với quan niệm “sinh vi danh tướng, tử vi thần”, trong niềm tin của người Việt, Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị danh tướng lỗi lạc với những chiến công chống xâm lăng vang dội, nhà lý luận chính trị, quân sự kiệt xuất với “thượng sách giữ nước” không chỉ của một thời: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” [1], bậc trung thần “dĩ công vi thượng” mà lòng trung nghĩa “đáng làm gương trăm đời cho những người bề tôi” [2] – đã từ một nhân vật lịch sử vĩ đại trở thành một vị Thánh linh thiêng trong thần điện Việt. Cuộc đời ông, từ những ghi chép của chính sử đến những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, đều âm vang chất sử thi và lấp lánh ánh hào quang huyền thoại.
Trong sách “Việt Nam Quốc Sử Khảo”, nhà chí sĩ yêu nước, bậc tiền bối cách mạng Phan Bội Châu từng nhận định: “Trời sinh ra một bậc vĩ nhân đủ để lo liệu việc lớn cho cả một đời”, “…lúc bấy giờ nếu không có Hưng Đạo Vương thì không có nhà Trần và nước Nam ta cũng không còn”[3]. Thật vậy, chính trong bối cảnh nước Đại Việt thế kỷ 13 với những thử thách cam go, khắc nghiệt, Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã vươn mình trở nên vĩ đại, ở khía cạnh nhân cách nào cũng đạt đến mức tột cùng, mẫu mực, để khi rời trần thế, về với cõi vô cùng thì hóa Thánh trong tâm tưởng nhân dân bao đời. Và chính ông, với công huân hiển hách, tư tưởng anh minh và phẩm cách cao vời của mình, đã góp phần nâng thời đại nhà Trần, với hào khí Đông A và hùng tâm Sát Thát, trở thành một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dân tộc ta.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, “Canh Tý [1300], mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”[4].
Để tưởng nhớ và tri ân công đức của Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhất niên nhất lệ, cứ vào ngày này hàng năm, tại Đền Thượng (Lào Cai), ngôi đền linh thiêng bên cội đa cổ thụ đã bao đời sững sững giữa đất trời biên cương, Uỷ ban Nhân dân thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai lại thành kính tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Ngài. Đồng thời, đây cũng là dịp ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước, qua đó khơi dậy ý thức tự tôn, niềm tự hào về truyền thống văn hiến và anh hùng, về trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh, khí phách Việt Nam, khẳng định niềm tin vào tiền đồ rạng sáng, vinh quang của dân tộc, củng cố quyết tâm dựng xây, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Bởi lẽ, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của dân tộc ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. (…) Đời nào cũng có người anh hùng mưu cao võ giỏi đứng ra đoàn kết nhân dân đuổi giặc cứu nước. (…) Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông”[5].
Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, năm 2024, Lễ dâng hương tưởng niệm 724 năm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại Đền Thượng – Lào Cai được diễn ra vào ngày 22 tháng 9 (tức ngày 20 tháng 8 âm lịch). Đặc biệt, Lễ dâng hương năm nay còn là dịp để kính cáo Đức Đại Vương cùng chư vị Tiên Thánh, Tiên hiền về sự thành tựu viên thành các hạng mục chính của dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am, thành phố Lào Cai” – Công trình thể hiện lòng thành kính, tri ân công lao các bậc tiền nhân, sự trân trọng, gìn giữ và nỗ lực phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai và thành phố Lào Cai, cúi mong Đức Đại Vương cùng chư vị Tiên Thánh, Tiên hiền chứng giám lòng thành của muôn dân, phù hộ độ trì cho dân tộc trường tồn, quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, muôn thuở mưa thuận gió hoà, đời đời thái bình thịnh trị.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung mọi nguồn lực vào công tác khắc phục hậu quả thiên tai và ổn định đời sống nhân dân, Lễ dâng hương năm nay được tổ chức với quy mô nhỏ, đảm bảo thành kính, trang nghiêm, tiết kiệm với tinh thần “ôn cố tri tân”, để dịp tưởng niệm vị anh hùng dân tộc sẽ trở thành điểm tựa tinh thần cổ vũ, khích lệ Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết chặt chẽ, thắng vượt những khó khăn, thách thức, vững tâm bền chí hướng đến tương lai./.
[1] Các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 79.
[2] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, 1997, tr. 400.
[3] Phan Bội Châu, Toàn tập, Tập 2, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, Nxb. Thuận Hoá, 1990, tr. 412.
[4] Các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 80.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2011, tr. 255.