Là một tín ngưỡng nội sinh với sự đan bện giữa các thành tố văn hóa bản địa (mà nét trội là nguyên lý Mẹ cùng tâm thức và những thực hành thờ cúng tổ tiên) với các thành tố văn hóa ngoại sinh, như nhận định của một học giả đến từ Trường Cao đẳng Thực hành Nghiên cứu cao cấp (E.P.H.E, Pháp): “Việt Nam có một hệ thống tôn giáo khá đa dạng nhưng chủ yếu là ngoại lai, được hình thành từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng không có một tôn giáo nào thực sự đặc thù là của riêng người Việt. Đạo Mẫu với điện thần và nghi lễ hầu đồng của nó có thể được coi là tín ngưỡng đặc thù nhất dù nguồn gốc có sự tiếp biến từ Trung Hoa hay những ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác là không thể phủ nhận”[1] , tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt mang chứa trong mình nhiều vỉa tầng giá trị dân tộc và nhân bản sâu sắc. Những chiều kích giá trị đó được thể hiện tập trung, sống động và thăng hoa trong các thực hành tín ngưỡng mà tiêu biểu là nghi thức hầu đồng.
Ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai trong số năm tiêu chí mà Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã đáp ứng để được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, là:
“R.1: Các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành;
R.2: Các thông tin trong Hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng”[2].
Nhận định như nhà nhân học người Mỹ Frank Proschan, người từng là Chuyên gia về Di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO:“…lên đồng chính là những nguồn tư liệu quí giá bộc lộ quan niệm của bản thân người Việt Nam về lịch sử của họ, về di sản văn hóa, về vai trò của giới và bản sắc tộc người. Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt cho ngưòi Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu. Họ xứng đáng được đánh giá cao bởi những nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống và họ cũng nên được khuyến khích để duy trì hình thức văn hóa này cho các thế hệ tương lai”[3].
Nhằm phát huy những giá trị đa chiều của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói chung, của nghi thức hầu đồng nói riêng, vào các ngày 7, 8 tháng 8 năm 2024 (tức ngày 4,5 tháng Bảy năm Giáp Thìn) vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ Cấm bang, Lễ giỗ năm vị quân binh nhà Trần tại di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia đền Cấm (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Ban Quản lý di tích thành phố Lào Cai đã trân trọng kính mời và hân hạnh được đón tiếp các nghệ nhân, thanh đồng đến từ các tỉnh Lào Cai, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Tuyên Quang, Yên Bái và thành phố Hà Nội quang lâm bản đền, loan giá phụng hành. Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng thực hành di sản thấu hiểu lẫn nhau, cùng nỗ lực đưa di sản đến gần hơn với công chúng, lan tỏa bức thông điệp về tinh thần yêu nước thương nòi, nghĩa đồng bào và tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của những biểu đạt văn hoá. Chương trình đã góp phần vào sự thành tựu viên thành mãn ý của Lễ Cấm bang, Lễ giỗ năm vị quân binh nhà Trần năm Giáp Thìn (2024)./.
——
[1] Marice Durand, Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Olivier Tessier tổ chức biên soạn, Nguyễn Thị Hiệp, Marcus Durand, Philippe Papin dịch và giới thiệu, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 15.
[2] Dẫn theo Trang thông tin điện tử Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (https://dsvh.gov.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu…).
[3] Frank Proschan, “Lên đồng (Hầu bóng) – Kho tàng sống của di sản văn hóa Việt Nam”, Phạm Quỳnh Phương dịch, in trong Ngô Đức Thịnh chủ biên, Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, Nxb. Khoa học Xã hội, 274.