Cũng như một con người, phố phường cũng có cuộc đời và thân phận, có ký ức và cả những hoài mong. Ký ức, mặc nhiên là thuộc về quá khứ, nhưng dường như không dừng lại ở đó, bởi lẽ những thể nghiệm trong quá khứ chính là những dữ kiện để lý giải hiện tại và gợi mở cho tương lai, để con người hiểu hơn về mình và bối cảnh sống của mình. Đó là ký ức của con người. Nhưng còn ký ức của phố phường, ký ức của một đô thị, có thể diễn giải như thế nào?
Trong luận văn “Nghiên cứu về kết cấu hệ thống của ký ức văn hóa đô thị và quy luật vận hành của nó”, các học giả đến từ Học viện Lịch sử và Công nghiệp văn hóa (Đại học Tế Nam, Trung Quốc) đã định nghĩa: “Khái niệm ký ức văn hóa đô thị đề cập đến ý thức tập thể về văn hóa trong quá khứ ở một khu vực cụ thể được hình thành bởi các thành viên xã hội đã sống lâu dài ở khu vực đó, là sự hiểu biết và kiến tạo tập thể được hình thành trong bối cảnh của thời đại”[1]. Giản dị hơn, có thể hiểu ký ức đô thị là sự hình dung hay quan niệm, trong khung cảnh xã hội nhất định, của những “đứa con phố phường” về quá khứ của thành phố nơi mà họ thuộc về. Mặc dù vậy, ký ức đó “không phải luôn ẩn tàng trong tâm hồn của những con người là chủ thể của thành phố. Những viện bảo tàng, những ngôi nhà cổ, những bức tường thành, những ngõ hẻm chật hẹp, hay những nghề thủ công, nghi thức, phong tục, xu hướng xã hội đang dần biến mất, thậm chí là hương vị món ăn khó tìm lại, những giai điệu đã phổ biến một thời, những thói quen đã trở nên “sâu rễ bền gốc”,… đều là những tải thể thầm lặng của ký ức thành phố. Chúng minh chứng cho quá khứ của thành phố, đồng thời cũng tham gia vào toàn bộ quá trình một thành phố hình thành phong cách, kiến tạo bản sắc để trở thành chính nó, là “thành phố này” chứ không phải “thành phố khác””[2].
Di sản văn hóa, như cách tiếp cận của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), “đóng vai trò ngày càng quan trọng ở các phương diện để con người hiểu mình là ai, đến từ đâu và ý nghĩa của cuộc sống. Những gì lưu lại trong các công trình kiến trúc, dấu tích cổ xưa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoạt động công cộng, kỹ năng truyền thống,… ngày càng được công nhận như một phương tiện để biểu đạt bản sắc và diễn giải về cộng đồng, khu vực, quốc gia và toàn nhân loại.”[3]. Thật vậy, tồn tại như những dấu ấn của một hay nhiều trường đoạn lịch sử, những di sản vật chất, trước hết là những công trình, địa điểm hay cảnh quan lịch sử – “những thực thể vật chất phản ánh điều kiện sống, sức sáng tạo và mối quan hệ giữa con người với môi trường qua nhiều thế hệ cư dân thành phố trong quá khứ [4] – thực sự là những tải thể của ký ức đô thị. Bằng chính sự hiện hữu vật thể, bề sâu giá trị tinh thần với những câu chuyện về nhân vật và sự kiện liên quan, những di sản đó là minh chứng cho những bước đi của thời gian, là dữ kiện để cư dân phố thị quan niệm về sự định hình bản sắc, hình dung quá trình hình thành, phát triển của thành phố và ở khía cạnh nào đó còn là những hoài mong, dự cảm cho tương lai. Do đó, bảo tồn những di sản vật chất trong lòng phố thị “không chỉ là kế tục, truyền thừa bối cảnh lịch sử, mà còn là bảo lưu ký ức văn hóa, đồng thời còn có ý nghĩa sâu sắc và lâu dài trong việc gợi ý cho hành trình tương lai”[5].
Theo dòng suy tưởng đó, phải chăng có thể nghĩ về những công trình, địa điểm hay cảnh quan như Đền Thượng (Lào Cai), và nền cảnh tự nhiên – nhân văn xung quanh (khu vực phố Tèo bên sông Nậm Thi với đoạn đường sắt thuộc tuyến Điền – Việt nổi tiếng, những công trình xây dựng hoàn chỉnh đầu tiên ở thị xã, dấu ấn của phương án quy hoạch trong buổi đầu tái lập, những cư dân mà trong trí nhớ vẫn ăm ắp những kỷ niệm về con phố thuở nào,…) như một không gian ký ức của Lào Cai. Ở nơi ấy, người ta như được thấy và cảm những gì thành phố này đã trải qua, tính cách nào là nổi bật của thành phố và nó đã rèn tạo nên bản lĩnh, tính cách đó ra sao. Từ bao giờ và trên nền tảng nào, Lào Cai đã được định nghĩa là một thành phố năng động với những hoạt động kinh tế biên mậu, một thành phố trung dũng, quật cường với những trang sử vệ quốc vẻ vang, thành phố “cửa ngõ” với những nhịp cầu hòa hiếu, hữu nghị nhưng cũng là miền biên cương với những cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, và phải chăng, còn có thể hình dung về thành phố này như một không gian của những tương tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa? Những di sản vật chất còn hiện hữu ở phố Tèo – con phố biên thùy xinh đẹp, dường như vẫn lặng lẽ thủ thỉ với người Lào Cai hôm nay về những chặng đường đã qua của của thành phố này, để từ đó, với những góc nhìn riêng – chung, mỗi người trong chúng ta sẽ có những suy tư, lý giải cho câu hỏi “từ bao giờ và trên nền tảng nào” vẫn còn để ngỏ ở trên, để thêm hiểu, thêm yêu thành phố của chúng ta.
Cứ như cách nói của một nhà dân tộc học người Pháp thì: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Thật vậy, hãy cứ lặng ngắm con phố với tất cả tình yêu Lào Cai, con phố sẽ thì thầm với chúng ta Lào Cai đáng yêu thế nào./.
——
[1] 赵佳凤, 杨 庚, 门 惠, 城市文化记忆系统结构及其运行规律研究
[2] 赵静蓉, 作为时间概念的城市: 记忆与乌托邦的两个维度, 探索与争鸣, 2018(10), 123.
[3] 胡 惠林, “文化遗产 安全 :一个人类文化安全议程”, 探索与争鸣, 2017(6), 83.
[4] 仲富兰, “让城市文化记忆告诉未来”, 学术界, 2014(5), 40.
[5] 仲富兰, “让城市文化记忆告诉未来”, 学术界, 2014(5), 40.