Đền Mẫu (Lào Cai) – nơi thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt – từ lâu đã được biết đến là một linh tích chốn biên thuỳ. Tương truyền, chính tại vùng đất này – ngay ở nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Nậm Thi, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã từng hiển linh, phù đời giúp nước, chở che, ban phúc cho dân. Cùng với Quốc môn và Cột mốc biên giới Quốc gia 102, trong tâm thức dân gian bao đời, ngôi đền đã trở thành điểm tựa tinh thần, là cột mốc văn hoá, tâm linh nơi địa đầu của Tổ quốc. Năm 2011, Đền Mẫu được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 325/QĐ- BVHTTDL.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần gần đây nhất diễn ra vào năm 2020, diện mạo hiện nay của toà đền chính vẫn kế thừa được những đường nét kiến trúc truyền thống bình đồ kiến trúc hình chữ Nhị (二) với hai nếp nhà song song có cấu trúc mái theo lối chồng diêm hai tầng tám mái. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1853), Tự Đức năm thứ 33 (1880) và Khải Định năm thứ 9 (1924). Phía sau đền là dấu tích còn lại của bức tường thành cổ gắn liền với hoạt động của quân Cờ đen ở khu vực cửa quan Bảo Thắng hồi thế kỷ XIX. Người dân trong vùng đã lấy tên của thủ lĩnh Lưu Vĩnh Phúc để đặt tên cho bức tường thành này – “Tường thành Lưu Vĩnh Phúc”.
Dịp lễ quan trọng nhất trong năm tại đền Mẫu là chính tiệc Thánh Mẫu Liễu Hạnh (ngày 3 tháng 3 âm lịch).













