Đền Thượng, từ miền cổ tích – linh địa đến tải thể của ký ức đô thị và điểm tựa tinh thần nơi địa đầu Tổ quốc
Đền Thượng – miền cổ tích – linh địa
Toạ lạc trên đồi Hoả Hiệu, hướng trông ra dòng Nậm Thi bốn mùa xanh ngắt ở vào quãng uốn dòng trước khi hoà mình vào dòng Thao giang/ Hồng hà – dòng sông Mẹ của văn hoá, văn minh Việt Nam, Đền Thượng đã đi vào tâm khảm bao thế hệ người dân Lào Cai với tính cách một miền cổ tích, chốn linh đài.
Không chỉ là chứng tích của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của quân dân nước Đại Việt thời Trần thế kỷ XIII – thuở hào khí Đông A chói ngời nơi biên cảnh, là nơi lưu dấu danh nhân – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị danh tướng lỗi lạc với những chiến công chống xâm lăng vang dội, nhà lý luận chính trị, quân sự kiệt xuất với “thượng sách giữ nước” không chỉ của một thời: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” [1], bậc trung thần “dĩ công vi thượng” mà lòng trung nghĩa “đáng làm gương trăm đời cho những người bề tôi” [2] , là Thánh, là Cha trong tâm tưởng nhân dân bao đời, Đền Thượng và đồi Hoả Hiệu còn hội tụ trong mình – ở bình diện kiến trúc – cảnh quan – những chỉ dấu của một miền linh địa – địa điểm thiêng/không gian thiêng theo quan niệm của người xưa. Ấy là nơi cao ráo, quang quẻ, tầm nhìn thoáng rộng; hướng trông ra mặt nước, đặc biệt là hướng trông ra sông ngòi, ở vào những quãng dòng sông uốn khúc, nơi dòng nước chảy chậm với hàm ý tụ thuỷ, tụ linh, tụ phúc; và có khung cảnh thiên nhiên tốt tươi, quần sinh trù mật[3].
Uy nghiêm, trầm mặc bên cội đa cổ thụ tự bao đời hiên ngang vươn toả giữa đất trời biên cương, thâm trầm hoà mình trong ngắt xanh muôn thuở của chốn sơn lâm, trải qua bao biến thiên dâu bể, ngôi đền vẫn là nơi những phận người nặng lòng với quá khứ bước đến để ngẫm ngợi về lịch sử đất nước, ngưỡng vọng về những cuộc đời tài cao chí cả, noi gương người xưa gắng gỏi giữ gìn, xây đắp nước non này, là nơi những mảnh hồn đang cần nơi tựa nương, bấu víu tìm về, để trong khói hương bảng lảng lục vấn trong mình những suy tư về cuộc thế nhân sinh, mong cầu sự bằng an, thanh thản, và trao gửi đến miền cao xanh những ước vọng đẹp đẽ đời thường.
Đền Thượng – tải thể của ký ức đô thị
Là một di sản văn hoá uẩn hàm những vỉa tầng giá trị vật thể và phi vật thể phong phú, đặt trong khung cảnh tự nhiên – văn hoá: đồi Hoả Hiệu – phố Phan Bội Châu (phố Tèo) – thành phố Lào Cai, có thể nghĩ về Đền Thượng – ở khía cạnh tồn tại vật chất, lịch sử xây dựng và quá trình tồn tại – như một tải thể của ký ức đô thị. Bởi lẽ, mặc dù ký ức đô thị vốn là những ý tưởng, suy niệm, diễn giải được chia sẻ bởi cộng động cư dân phố thị về quá khứ của nơi họ sống trong bối cảnh lịch sử cụ thể, nhưng ký ức đó “không phải luôn ẩn tàng trong tâm hồn của những con người là chủ thể của thành phố. Những viện bảo tàng, những ngôi nhà cổ, những bức tường thành, những ngõ hẻm chật hẹp, hay những nghề thủ công, nghi thức, phong tục, xu hướng xã hội đang dần biến mất, thậm chí là hương vị món ăn khó tìm lại, những giai điệu đã phổ biến một thời, những thói quen đã trở nên “sâu rễ bền gốc”,… đều là những tải thể thầm lặng của ký ức thành phố. Chúng minh chứng cho quá khứ của thành phố, đồng thời cũng tham gia vào toàn bộ quá trình một thành phố hình thành phong cách, kiến tạo bản sắc để trở thành chính nó, là “thành phố này” chứ không phải “thành phố khác”[4].
Như một phần tất yếu của phố Phan Bội Châu (phố Tèo) – con phố “vừa dồi dào vật chất, vừa sung mãn tâm linh” như nhận định của nhà văn Ma Văn kháng, của đô thị Lào Cai năng động, sôi nổi nhưng không phải không thâm trầm, sâu sắc, khiêm tốn, hiền hoà nhưng không phải không mạnh mẽ, cương nghị, kiên định mà không bảo thủ, cởi mở, hội nhập mà không đánh mất mình, đền Thượng cũng như những di sản văn hoá khác, với tư cách là “chứng nhân” cho những khó nhọc và vinh quang mà thành phố đã trải qua – chính là hiện thân, tải thể để cộng đồng cư dân Lào Cai dẫu cách biệt không gian (xa – gần, đi – ở) hay thời gian (hôm qua, hôm nay và mai này) đều có cảm nhận, thức nhận nhất định về những chặng đường đã qua của thành phố, về tính cách của nơi này và trong bối cảnh nào những phẩm chất đó được rèn tạo, vun bồi. Để rồi, như một lẽ tự nhiên, nghĩ về Lào Cai là nghĩ về ngôi đền nơi địa đầu Tổ quốc, và nghĩ về Đền Thượng là nghĩ về Lào Cai – thành phố biên cương.
Đền Thượng – điểm tựa nơi địa đầu Tổ quốc
Vốn được tạo dựng ngay tại nơi từng là đài hoả hiệu của quân đội nhà Trần – một triều đại võ công văn trị rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dân tộc, là nơi tôn thờ vị anh hùng dân tộc với những chiến công chống xâm lăng hiển hách, toạ lạc ở chốn biên thuỳ – nơi ngọn cỏ chia hai, dòng sông rẽ nước, Đền Thượng đã trở thành một biểu trưng cho tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng cách mạng Việt Nam, kết tụ nhân tâm, làm bền chắc sự đồng thuận, đoàn kết xã hội, củng cố ý thức quốc gia – dân tộc trong cộng đồng dân cư vùng biên.
Trải bao thiên tai, địch hoạ, ngôi đền vẫn uy nhiêm, vững chãi như một “chốt tiền tiêu”, là cột mốc văn hoá, tâm linh nơi địa đầu Tổ quốc, để rồi mỗi khi hướng trông lên lá cờ Tổ quốc và lá cờ thần tung bay kiêu hãnh giữa lồng lộng trời xanh như sự đồng hiện của quá khứ – hiện tại – tương lai, mỗi người Lào Cai, mỗi người Việt Nam đều dâng trào cảm thức về quê hương xứ sở, về cương vực lãnh thổ, về từng tấc đất cha ông với lòng tự hào rằng ở miền biên cương này luôn có một điểm tựa tinh thần linh thiêng như thế. Hương khói nơi này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nguội lạnh, như sự nhắc nhớ bao thế hệ người Lào Cai, người Việt Nam hôm nay và mai sau về trách nhiệm kế tục, phát huy truyền thống cha ông, làm sáng ngời phẩm cách dân tộc, quyết tâm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, viết tiếp những trang sử vẻ vang của một Việt Nam hoà bình, phát triển, hùng cường.
Theo dòng suy tưởng đó, có thể thấy ý nghĩa của công cuộc tu bổ, tôn tạo Đền Thượng gần đây đâu chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất, công trình mà hơn thế, đó là nỗ lực bảo tồn, phát huy, nối dài dòng mạch giá trị vốn có, (và phải chăng còn khơi mở những luồng lạch giá trị mới?!) của một biểu trưng văn hoá chốn biên thuỳ.
Lễ hội đền Thượng, từ thực hành văn hoá để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đến sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương
Nhất niên nhất lệ, cứ vào độ đất trời vào xuân – khi “cỏ đón giêng hai, chim én gọi mùa”, người dân Lào Cai, du khách trong nước và quốc tế lại nô nức hướng về lễ hội Đền Thượng để tưởng nhớ, tri ân công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các bậc tiền nhân, tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc với trung tâm là nghi thức tế tự, nghênh rước được thực hiện thành kính, trang nghiêm, kết tinh và thăng hoa “tính thiêng” – nhân lõi trong hệ giá trị đa chiều của lễ hội dân gian nói chung, lễ hội Đền Thượng nói riêng. Có lẽ, cũng như Đoàn Văn Cừ mãi nhớ về quang cảnh lễ tế thần khi quê nhà vào hội: “Thằng bé em đòi mẹ bế lên đền/ Xem các cụ trong làng ra cử tế;/ Tiếng chiêng trống chen từng hồi lặng lẽ/ Những bóng người trịnh trọng khẽ đi lên/ Những cánh tay áo thụng vái mơ huyền,/ Đang diễn lại cả một thời quá khứ…” (Đám hội), hẳn là đã khắc khảm vào ký ức của bao thế hệ người Lào Cai hình ảnh những bậc lão niên tinh anh, đức độ, chỉnh tề lễ phục, nghiêm cẩn đến từng bước đi, dáng đứng, đại diện cho trăm họ kính dâng Đức Đại vương lễ phẩm uy nghi và lời văn chúc Thánh trong lễ tế dân gian, kính cáo Đức Đại vương trước ngày vào hội, thỉnh ngài xuất cung, ngự giá du lãm nước non. Để đến hôm sau – ngày chính hội, với nghi trượng trang nghiêm, cờ xí rợp trời, cung nghinh Đức Đại vương hồi cung nhập điện, chứng giám lòng thành của muôn dân. Nếu cộng cảm, cộng mệnh và biểu dương sức mạnh cộng đồng là một trong những chiều kích giá trị của lễ hội Đền Thượng thì lễ rước chính là minh chứng rõ nét nhất của giá trị này.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016 – khi được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, lễ hội Đền Thượng với sự cộng hưởng của nhiều hoạt động phong phú như trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương, hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian,… đã thực sự trở thành một sự kiện văn hoá nổi bật với sự đan xen, hoà quyện giữa truyền thống và hiện đại, bản địa và hội nhập, góp phần kiến tạo bức tranh văn hoá Lào Cai giàu bản sắc trên nền cảnh văn hoá Tây Bắc, văn hoá Việt Nam. Đến nay, Lễ hội Đền Thượng đã định hình là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, là điểm đến của những chuyến du ngoạn, hành hương đầu năm, là lựa chọn lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế khi muốn tham quan, chiêm bái cảnh đẹp đền thiêng, hoà mình vào không khí lễ hội của người dân địa phương, tìm hiểu, khám phá văn hoá bản địa, thưởng lãm nghệ thuật hay chếnh choáng, ngất ngây trong hơi rượu nồng đượm hương đất, hương cây và tình người miền sơn cước. Và hơn thế, sự kiện này – với những giá trị vốn có và cả những giá trị đang, sẽ được sinh tạo – đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình cảnh một Lào Cai – miền địa đầu của Tổ quốc thân thiện, hiền hoà, mến khách, hiện đại, thanh tân ở diện mạo vật chất, phong phú, giàu bản sắc ở bề sâu tinh thần, là lời mời gọi thiết tha, nồng hậu bạn bè, du khách muôn phương đến với đất và người nơi đây./.
[1] Các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 79.
[2] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Khoa học Xã hội, 1997, tr. 400.
[3] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học, 2005, tr. 76; Trần Lâm Biền, Đình làng Việt, Nxb. Mỹ thuật, 2014, tr. 37, 50; Hà Văn Tấn, Đến với lịch sử – văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn, 2005, tr. 344; Chu Quang Trứ, Kiến trúc dân gian Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, tr. 83; Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb. Tri thức, 2011, tr. 455.
[4] 赵静蓉, “作为时间概念的城市: 记忆与乌托邦的两个维度”, 探索与争鸣, 2018(10), 123.






