Phố Tèo, khác với ấn tượng về sự thưa vắng, buồn tẻ như cái tên của nó mang lại, vốn là một phố thị vùng biên với đời sống sầm uất, nhộn nhịp. Vẫn còn đó, vẹn nguyên trong ký ức người Lào Cai một thời, hình ảnh phố Tèo thuở vàng son trước những ngày “Lụt Bắc lụt Nam. Máu đầm biên giới/ Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân” – hình ảnh về một con phố sầm uất bậc nhất thị xã xinh đẹp mang hình cánh bướm ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Tiếc nuối chăng? Có thể, nhưng sẽ không hẳn chỉ là tiếc nuối nếu chúng ta nghĩ rằng con phố đang định hình cho mình một tính cách khác: tĩnh lặng hơn, thâm trầm hơn, và vì thế mà sâu lắng hơn – tính cách của một phố thị di sản, một khoảng lặng cần thiết như để cân bằng với những sôi động của đô thị hiện đại. Ở đó, người ta sẽ thấy và cảm được bề sâu tinh thần, sự “lịch duyệt”, và có lẽ cả chất trữ tình nữa của Lào Cai, từ thuở là một tiểu trấn vùng biên cho đến nay, khi đã sẵn sàng trở thành một đô thị loại 1, tỉnh lỵ của một cực tăng trưởng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Trong bản “Kiến nghị về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia”, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) nhấn mạnh: “Trong xã hội mà điều kiện sống thay đổi nhanh chóng, bảo vệ hoàn cảnh sống tương xứng cho nhân loại, để trong đó họ tiếp xúc với thiên nhiên và những chứng tích văn minh do những thế hệ trước để lại, điều này hết sức quan trọng đối với sự cân bằng và phát triển của con người. Do đó, nên để di sản văn hóa và di sản thiên nhiên phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội, đồng thời xem xét để những thành tựu đương đại, giá trị quá khứ và vẻ đẹp thiên nhiên hòa nhập trong một chỉnh thế”[1].
Thật vậy, cùng với những ký ức và câu chuyện của một lớp cư dân phố Tèo, những cổ thụ tỏa bóng thâm nghiêm, những tên phố, tên đường đã đi vào dĩ vãng, các di tích lịch sử – văn hóa chính là chất liệu quan trọng để con phố tự họa về mình. Giữa tốt tươi xanh ngắt một màu, uy nghiêm trên ngọn đồi Hỏa Hiệu – chốn linh tích lưu danh tướng tài, Đền Thượng (Lào Cai) là một điểm nhấn nổi bật, trở thành ấn tượng khó quên neo lại trong mỗi người khi đặt chân đến con phố ven dòng Nậm Thi này. Cố nhiên, sẽ bộn bề lắm những công việc phải làm để định hình nên một con phố di sản, nhưng có thể chăng, hãy bắt đầu từ những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị những công trình, dấu tích từ quá khứ vẫn còn đang hiện hữu trước mắt chúng ta, vẫn “sống” trong đời sống của chúng ta.
Không phải đến bây giờ vấn đề này mới được đặt ra bởi lẽ nó được đề cập đến ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh. Cơn binh hỏa đi qua, tòa đền linh thiêng này còn lại những gì? “Chỉ còn khung cửa nhà, các trang bị nội thất bị mất mát, mái ngói bị vùi dập”[2]. Đường nét, diện mạo hiện nay của ngôi đền, những chương trình, dự án tu bổ, tôn tạo đang tiến hành là thành quả từ những nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý nhà nước, sự dấn thân, tự nhiệm của những người trực tiếp khuya sớm hương đèn, phụng sự Tiên Thánh và sự hưng công, đóng góp của du khách muôn phương. Từ một góc nhìn rộng hơn, “từ lịch sử đô thị hóa trên thế giới, bảo tồn di sản đô thị liên quan đến các phương diện như: ý nghĩa của đa dạng văn hóa, xây dựng đạo đức và lương tâm của nhân loại, trách nhiệm thế hệ, phát triển bền vững, kiến tạo văn minh sinh thái, kinh tế tri thức, an ninh văn hóa,…”[3], chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa của công cuộc khôi phục, bảo tồn đã và đang diễn ra này./.
—–
[1] Dẫn theo 贺云翱, 冲突还是协调: 城市化与文化遗产保护, 城 市 学 研 究 2015 年第 1 期, 85 – 86.
[1] Vàng Thung Chúng, Quần thể di tích phố Tèo, một điểm du lịch hấp dẫn, Báo Lào Cai số ra ngày 24 – 6 – 1993.
[3] 贺云翱, 冲突还是协调: 城市化与文化遗产保护, 城 市 学 研 究 2015 年第 1 期, 88.